Giám định pháp y: Khó khăn, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng.

27/02/2023
Giám định pháp y: Khó khăn, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng.
 
Khi nhắc đến ngày 27/02 thì hầu hết mọi người đều biết đó là ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày để vinh danh những chiến sỹ áo trắng là những người đưa bệnh nhân trở về cửa tử. Nhưng có lẽ không mấy ai biết người bác sỹ pháp y, người bắt tử thi lên tiếng, những người thầm lặng miệt mài đi tìm công lý bên những tử thi phục vụ cho công tác điều tra phá án.

Cũng chọn nghiệp áo trắng để mưu sinh và cống hiến, nhưng giám định pháp y là nghề chẳng ai muốn chọn bởi đây là công việc chỉ chuyên tiếp xúc và làm việc với xác chết. Công việc đầy ám ảnh, vất vả, đầy thử thách. Chế độ lương phụ cấp cho bác sỹ pháp y còn nhiều thiếu thốn. Có lẽ bởi thế mà vấn đề thiếu hụt nhân lực là điều thường xuyên xảy ra.

Lâu nay, viện pháp y rất mệt mỏi với chuyện thiếu nhân lực giám định viên, tuyển được người nào và họ ở lại chịu làm việc là mừng lắm. Lần đó có một bác sỹ trẻ về làm và hứa hẹn sẽ cống hiến cho nghề bác sỹ phụng sự công lý này. Viện đã tạo điều kiện hết mức có thể đưa đi học, ký hợp đồng để giữ người. Thế nhưng chỉ sau đêm đầu tiên thực hiện giám định cho tử thi, họ đã cởi áo blouse và bỏ việc. Ít lâu sau xảy ra một vụ hiếp dâm. Nạn nhân là một người phụ nữ tâm thần lang thang, đây là lần cho cậu bác sỹ trẻ học việc chuẩn bị giám định thì điện mất nên thay vì đứng sau học tập thì cậu bác sỹ trẻ phải cầm đèn đứng quan sát. Người tâm thần lang thang ngoài đường không tắm rửa, mà lại là phụ nữ nên không mô tả cũng đủ hiểu. Bác sỹ trẻ mặt tái xanh, mồ hôi vã ra đầm đìa và một thời gian ngắn sau người ấy xin nghỉ việc không có cách nào giữ chân được. Đó là nỗi niềm của rất nhiều người đã và đang theo nghề giám định pháp y. Với những người đã, họ không thể vượt qua được sự lựa chọn giữa gia đình và nghề nghiệp, còn với những người đang thì phải chấp nhận sự tan vỡ gia đình để giữ nghề.

TS. Nguyễn Hồng Long – Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết: “Quan niệm người dân ảnh hưởng tương đối lớn. Ví dụ như là đối với những bác sỹ trẻ vừa ra trường, khi vào làm trong chuyên ngành pháp y thì ngoài vấn đề lương thu nhập không đủ sống, thấp hơn so với các bác sỹ khác thì vấn đề áp lực về yếu tố tâm linh cũng ảnh hưởng rất lớn vì tác động của gia đình không muốn con em mình làm trong nghề pháp y, mà khám chữa bệnh cho người sống để vinh dự hơn, cao quý hơn, ngành pháp y thì lại không muốn làm. Cái đó sẽ ảnh hưởng, nhất là những bạn mà chưa có người yêu, gia đình thì tác động bên phía người yêu và tác động từ gia đình không muốn bạn của mình tham gia khám nghiệm tử thi ảnh hưởng, làm cho xui xẻo và không ai muốn.”

Thấu hiểu được khó khăn trong việc tuyển người của pháp y, Bộ y tế đã cho viện một cơ chế đặc cách tuyển dụng để viện có thể toàn quyền xét tuyển và sau đó báo cáo bộ, không nặng nề về quy trình tuyển dụng công chức như các đơn vị khác. Thế nhưng tình hình nhân lực cũng không tốt hơn là mấy. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt trầm trọng bác sỹ pháp y, viện Pháp y quốc gia đã xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu của đề án là đào tạo 7 tiến sĩ, 10 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 80 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I cùng hơn 300 người được đào tạo đại học hệ liên thông. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi sẽ được hỗ trợ ngay 20 tháng lương tối thiểu nếu đăng ký làm việc và cam kết làm việc lâu dài. Tiến sĩ bác sĩ chuyên khoa cấp II sẽ được trợ cấp ưu đãi ban đầu với số tiền bằng 50 lần mức lương tối thiểu. Với thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I là 40 lần. Hấp dẫn là vậy nhưng chẳng mấy ai lựa chọn và ở lại với nghề pháp y. Theo ông Long, bởi quan niệm xã hội quá nặng nề với nghề này, xã hội nhìn nhận nghề giám định chỉ có duy nhất việc khai quật mồ mả và mổ xác chết mà không hiểu hết đóng góp sâu rộng của nó với cuộc sống – công lý.

Nhiều bậc phụ huynh không muốn con sau nhiều năm học ở trường y danh giá lại ra làm công việc này. Và nếu ai cũng chọn công việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai?

Nguồn: "Giám định pháp y: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?..." - Pháp luật media - Báo Pháp luật Việt Nam - Cơ quan Bộ Tư pháp. https://baophapluat.vn/media/giam-dinh-phap-y-ai-cung-chon-viec-nhe-nhang-gian-kho-biet-danh-phan-ai-post9877.html 

DANH MỤC TIN TỨC